Fascia (màng bọc cơ) là gì? Sức khoẻ màng bọc cơ đối với cơ thể và tập luyện
Fascia là gì?
Fascia là mạng lưới cấu trúc thuộc mô liên kết của cơ thể được cấu tạo chủ yếu từ Collagen. Mạng lưới này xuất hiện và bao bọc các cơ quan trong cơ thể với nhiệm vụ chính là bóc tách và liên kết các thành phần cơ quan khác nhau thành một khối. Fascia hỗ trợ bóc tách làm giảm ma sát khi các cơ bắp di chuyển và trượt lên các cơ quan khác trong cơ thể mà không làm tổn thương chúng.

Hình 1: Minh họa Fascia trên cơ thể người

Hình 2: Bằng cách sử dụng các thành phần hóa học, các nhà khoa học đã phân rã các thành phần Protein khác trong cơ thể ngoại trừ cấu trúc Fascia. (Anatomy Train)
Về mặt sinh học Fascia bao bọc và sắp xếp xen kẽ khắp nơi của cơ thể với mật độ dày đặc (Hình 2), đóng vai trò tối quan trọng trong sức khỏe của con người. Mặc dù Fascia có hình dạng là một lớp màng mỏng nhưng thực chất Fascia được cấu tạo từ rất nhiều lớp xếp chồng và trượt liên tục lên nhau với cấu trúc phức tạp. Xen kẽ giữa các lớp xếp chồng là tổ hợp các mao mạch, rễ thần kinh và các lớp bôi trơn (Hình 3).

Hình 3: Hình ảnh các mạch máu được bao bọc và xen kẽ Fascia
Lối sống sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc và tính chất Fascia của từng cá nhân. Đối với cá nhân có lối sống năng động và lành mạnh, mạng lưới Fascia trong cơ thể sẽ rất khỏe mạnh, dẻo dai và đầy đủ chất bôi trơn. Tuy nhiên lối sống không lành mạnh, ít vận động có thể dẫn đến tình trạng Fascia bị khô, dính với nhau và gây đau mỏi cơ bắp. Hiện tượng này còn được gọi là Fascia Adhesion.
Fascia Adhesion
Lối sống ít vận động thể chất, ngồi làm việc với tư thế xấu trong thời gian dài có thể dẫn đến gia tăng trương lực cơ bắp gây nên thiếu máu cục bộ (Hình 4). Khi đó cấu trúc Fascia ở các vùng cơ bắp có trương lực lớn sẽ bị thiếu hụt nguồn dinh dưỡng và hợp chất bôi trơn (Hyaluronic Acid) từ máu dẫn đến tình trạng Fascia bị khô và gia tăng tính chất kết dính hình thành nên Fascia Adhesion (Fascia Knot). Sự thay đổi này của Fascia sẽ dẫn đến sự chèn ép các cấu trúc xen kẽ giữa lớp Fascia như rễ thần kinh, mạch máu, hạch bạch huyết từ đó gây các cơn đau mỏi, giảm biên độ ở vùng cơ bắp đấy.

Hình 4: Sự gia tăng trương lực cơ bắp do duy trì tư thế xấu có thể gây nên chèn ép các mạch máu, giảm lưu thông máu gây thiếu máu cục bộ.
Fascia Adhesion (Fascia Knot) có thể trở nên tệ hơn theo thời gian khi việc liên tục chèn ép các cấu trúc mạch máu xen kẽ khiến cho cơ bắp ở vùng Fascia bị thiếu hụt dinh dưỡng và tích tụ các phụ phẩm sau chuyển hóa. Các cơ bắp khi không nhận đủ dinh dưỡng sẽ không thể có đủ năng lượng để quay về chiều dài ban đầu khi hoạt động tạo ra các điểm kích hoạt trên cơ bắp (Trigger Point) gây suy giảm trầm trọng chức năng và tạo ra cơn đau xuất chiếu (Referred Pain).

Hình 5: Hình ảnh minh họa Trigger Point ở trên cơ bắp

Hình 6: Minh họa cơn đau xuất chiếu (Referred Pain). Cơn đau xuất chiếu là cơn đau không nằm trùng với điểm hoạt động của Trigger Point khiến cho việc chẩn đoán và điều trị thêm khó khăn.
Mặc dù nguyên nhân chính dẫn đến Fascia Adhesion là lối sống ít vận động, tuy nhiên việc vận động thể chất quá mức gây chấn thương hoặc quá tải cơ bắp cũng khiến cho Fascia Adhesion hình thành và phát triển.
Fascia Adhesion do chấn thương – quá tải cơ bắp
Cơ bắp và Fascia chịu rất nhiều áp lực khi vận động thể chất, trong quá trình này sẽ tạo ra các tổn thương cấp độ tế bào (Micro Damaged) cần hồi phục vì vậy cần phải nghỉ ngơi hợp lý khi tập luyện. Trong quá trình hồi phục, Fascia đóng vai trò tối quan trọng trong việc khâu và giữ các vết tổn thương dính liền với nhau. Khi bị tổn thương cơ thể sẽ thúc đẩy sự hoạt động của Fibroblast Cell tổng hợp Collagen mới đắp lên Fascia. Các sợi Collagen mới sẽ có tính chất kết dính cao mang nhiệm vụ kết dính các lớp Fascia, quá trình này giúp hình thành các mô sẹo.
Tuy đây là cơ chế hồi phục của cơ thể đối với các tổn thương khi vận động. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, cơ thể không thể phục hồi hoàn toàn mà hình thành Fascia Adhesion từ các mô sẹo mãn tính, gây đau và giảm biên độ vận động của khớp. Các lý do bao gồm:
Chất lượng ngủ kém.
Thiếu dinh dưỡng trong quá trình hồi phục.
Chế độ vận động và nghỉ ngơi quá mức, thiếu khoa học.
Mất nước.
Điều trị và phòng ngừa Fascia Adhesion
Cung cấp đủ nước
Hyaluronic Acid là một hợp chất bôi trơn cơ thể tự tổng hợp, mang tính chất hút và giữ nước gấp 1000 lần so với trọng lượng của nó. Nước đóng vai trò là chất nền giúp thẩm thấu và là dung môi hòa tan chất dinh dưỡng ở giữa các lớp Fascia. Việc cung cấp đủ nước thông qua thức uống hằng ngày có thể góp phần gia tăng khả năng sản sinh và hoạt động bôi trơn của Hyaluronic Acid giúp Fascia trở nên khỏe mạnh hơn.
Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất đóng vai trò cốt lõi trong việc lưu thông máu đến các cơ mô trong cơ thể. Một lối sống ít vận động và duy trì ở một tư thế quá lâu có thể là nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng của Fascia. Việc tập luyện các bài tập thể chất giúp ngăn ngừa tình trạng suy giảm chức năng Fascia.
Đảm bảo giấc ngủ
Nghiên cứu cho thấy đồng hồ sinh học của con người ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa Collagen trong cơ thể. Fascia luôn có nhiệm vụ duy trì cấu trúc cơ thể đáp ứng cho các kích thích từ vận động thể chất. Vì vậy giấc ngủ tốt giúp đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục các tổ chức bị tổn thương (Micro Damaged) của Fascia sau một ngày làm việc.
Giác hơi thể thao

Hình 7: Giác hơi thể thao là phương pháp giác hơi kết hợp vận động trong thời gian ngắn.
Phương pháp giác hơi thể thao sử dụng dụng cụ giác hơi truyền thống để tác động vật lý lên vùng mô cơ bị căng mỏi kèm theo chuyển động của bệnh nhân. Nghiên cứu cho thấy việc giác hơi cho phép giãn nở (Hình 7) khoảng cách giữa các lớp cơ và Fascia, điều này giúp tạo không gian cho Hyaluronic Acid xen kẽ vào các lớp mô.

Hình 8: Hình ảnh MRI khi giác hơi.

Hình 9: Hình ảnh MRI trước, trong và sau khi giác hơi
Khác với giác hơi truyền thống khi bệnh nhân không vận động trong quá trình giác hơi và thời gian giác hơi lâu gây nên tổn thương các mạch máu nông dưới da. Phương pháp giác hơi thể thao là phương pháp cải tiến khi cho bệnh nhân vận động cơ bắp liên tục trong thời gian giác hơi giúp tạo không gian tối đa giữa các lớp mô. Đồng thời chỉ duy trì giác hơi ở một điểm trong thời gian 30 giây – 2 phút. Điều này làm giảm tối đa sự tổn thương các mạch máu dưới da tuy nhiên vẫn duy trì được kết quả trị liệu của phương pháp truyền thống.
Kết Luận
Fascia có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ xương khớp của cá nhân trong vận động. Việc duy trì một lối sống lành mạnh lấy tập luyện làm cốt lõi là chìa khóa để ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe Fascia nói riêng.
Reference:
Fascia as a flow – a new way of explaining the body’s function
The Role of Fascia in Movement and Function